Vai trò và những đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế

Câu hỏi:  (PV Mạnh Bôn (Thực hiện) Báo đầu tư) Nông nghiệp Việt Nam đang hướng tới phát triển bền vững, song trên thực tế, sản xuất nông nghiệp vẫn trông cậy khá nhiều vào “mưa thuận, gió hòa” và phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông có thể phân tích rõ hơn về vai trò và những đóng góp của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế? (Nguồn: https://baodautu.vn/khi-kinh-te-kho-khan-nong-nghiep-la-be-do-d145822.html)

Trả lời:

Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê)

Thiên nhiên, khí hậu biến đổi thất thường và ngày càng cực đoan, nên sản xuất nông nghiệp đang từng bước được cơ cấu lại để thích ứng. Ví dụ, để thích ứng với tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, chúng ta đã thu hẹp diện tích trồng lúa, đi cùng với tăng năng suất; đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và hoạt động chăn nuôi… Vì thế, mặc dù diện tích trồng lúa giảm liên tục, nhưng sản lượng lương thực không chỉ tăng đều hàng năm, mà còn gia tăng sản lượng lương thực chất lượng cao phục vụ hoạt động xuất khẩu…

Ngành nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu sản xuất bằng việc giảm nuôi trồng các loại sản phẩm có giá trị thấp, tập trung vào các loại sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Đặc biệt, mấy năm gần đây, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã và đang chinh phục thị trường thế giới. Mùa vải năm nay đã chứng minh rất rõ điều này.

Chúng ta đang tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Thủy sản phát triển bền vững hơn cả về nuôi trồng và khai thác; điều chỉnh cơ cấu nuôi hợp lý, phát triển các vùng nuôi tôm, cá tập trung, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; phát triển đánh bắt phù hợp, gắn với công nghệ khai thác, bảo quản, chế biến hiện đại. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản liên tục tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, đặc biệt là sản phẩm rau quả. 6 tháng đầu năm nay, dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Như vậy, khu vực nông nghiệp không hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường thế giới cũng như thiên nhiên, thời tiết, thay vào đó, đã chủ động thích ứng để đóng góp ngày càng nhiều hơn vào GDP và khẳng định vai trò bệ đỡ mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Hiện nay, khi mà giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên thị trường thế giới tăng cao, gây áp lực rất lớn đến mặt bằng giá cả trong nước, nếu các mặt hàng nông nghiệp chủ đạo như gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, thủy hải sản không giảm, sẽ gây áp lực rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng, tác động mạnh đến đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất – kinh doanh của cả nền kinh tế.