Thời gian tới có cần gói hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp không khi chỉ có 2% có tác động tích cực đến sản xuất kinh doanh

Câu hỏi:  (PV Thúy Hiền (Thực hiện) BNEWS/TTXVN) Vừa qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố kết quả điều tra 10.197 doanh nghiệp về tác động của dịch COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp cho biết có đến 87,2% số doanh nghiệp bị tác động rất tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, 11% không bị ảnh hưởng và chỉ có 2% có tác động tích cực. Theo bà thời gian tới có cần gói hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp không? (Nguồn: https://bnews.vn/tong-cuc-thong-ke-muc-tieu-tang-truong-6-5-la-thach-thuc-lon/190916.html)

Trả lời:

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Dịch COVID-19 xuất hiện từ quí I/2020 tác động tiêu cực, làm suy giảm nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2020. Cho đến nay, dịch COVID-19 vẫn xuất hiện các biến thể mới, tuy nhiên nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu khởi sắc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB đều dự báo tăng trưởng toàn cầu dương trong năm nay lần lượt ở mức 5,5% và 4%.

Năm 2020 và quý I/2021 mặc dù nước ta có tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao trên thế giới và khu vực, tuy nhiên mức tăng của quí I năm nay (4,48%) thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,82% cùng kỳ năm 2019 và 7,45% cùng kỳ năm 2018. Điều này cho thấy, tác động của dịch COVID-19 vẫn còn rất nặng nề, đặc biệt đối với doanh nghiệp – khu vực đóng góp trên 60% vào tăng trưởng GDP.

Chúng tôi cho rằng kết quả điều tra đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến doanh nghiệp do VCCI và WB vừa công bố, có tới 87,2% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực của dịch COVID-19 thời điểm hiện nay là phù hợp (tương ứng với tỷ lệ Tổng cục Thống kê công bố tháng 9/2020 là 83,7%).

Với diễn biến của dịch COVID-19 và khó khăn mà doanh nghiệp vẫn đang phải gánh chịu, để cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch, Tổng cục Thống kê đề xuất cần tập trung vào các nhóm giải pháp cơ bản.

Đó là cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tìm kiếm những cơ hội, ý tưởng, định hướng, đối tác kinh doanh mới để ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh trong thời kỳ chịu tác động của dịch COVID-19 và hậu COVID-19. Hơn lúc nào hết, doanh nghiệp với vai trò là lực lượng sản xuất kinh doanh chính, đóng góp lớn nhất của nền kinh tế cần phát huy tối đa tinh thần đổi mới, sáng tạo; áp dụng những phương pháp mới, công nghệ số, những cách làm hay, khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế để trụ vững và phát triển.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung các chính sách, các gói hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định trở lại. Cụ thể Nhà nước cần tập trung xem xét, triển khai các nhóm chính sách hỗ trợ như: tiếp tục thực hiện và mở rộng các gói hỗ trợ đã ban hành theo một số tiêu chí về đối tượng được nhận hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, mức hỗ trợ theo các Nghị quyết 41/2020/NQ-CP – Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2020, Nghị quyết số 42/2020/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, Nhà nước xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết năm 2021 áp dụng cho tất cả doanh nghiệp theo các mức giảm khác nhau phân theo doanh thu, theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19; miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất đến hết năm 2021.
Mặt khác, Nhà nước tiếp tục thực hiện các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng; đồng thời, xem xét gói hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất vay bằng 0% hoặc lãi suất ưu đãi…